Lượt xem: 2356

Nam Bộ xứng đáng là bức Thành đồng vững chắc của Tổ quốc

Với dã tâm quay trở lại xâm lược nước ta một lần nữa, ngày sau khi Nhật đầu hàng đồng minh, chính phủ Đờgôn đã quyết định thành lập một đạo quân viễn chinh sang Đông Dương dưới quyền chỉ huy của Lơ-cờ-léc, đồng thời cử đô đốc Đắc-giăng-li-ơ sang làm Cao uỷ Pháp ở Đông Dương.

 


Dân quân cứu quốc Nam bộ trong những ngày đầu Nam bộ kháng chiến, tháng 9/1945 - Ảnh tư liệu

    Trong bối cảnh lịch sử nước nhà sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, chính quyền cách mạng vừa mới giành được, nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á vừa thành lập. Nhân dân ta mới giành được chính quyền từ tay thực dân Pháp, quyền làm chủ bước đầu của Nhân dân ta được thực hiện, nhưng chưa đầy một tháng thì thực dân Pháp gây hấn ở Nam bộ, nhằm chiếm lại Nam bộ, xoá bỏ thành quả cách mạng của Nhân dân ta vừa mới giành được, tiếp tục đặt ách thống trị của chúng trên đất nước ta, áp bức bóc lột Nhân dân ta thêm một lần nữa.

    Trước tình thế “nước sôi lửa bỏng”, không có con đường nào khác, con đường kháng chiến cứu nước, để bảo vệ thành quả cách mạng với chính quyền non trẻ vừa thành lập, vừa bảo vệ chủ quyền dân tộc, Nhân dân Nam bộ phải vùng lên đánh đuổi quân xâm lược.

Ngày 05-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi quốc dân”: “Quốc dân đồng bào! Nhân dân Việt Nam hoan nghênh quân đồng minh kéo vào Việt Nam để tước khí giới quân Nhật, nhưng cương quyết phản đối quân Pháp kéo vào Việt Nam, vì mục đích của họ chỉ là hãm dân tộc Việt Nam vào vòng nô lệ lần nữa. Hỡi đồng bào! Hiện một số quân Pháp đã lọt vào nước ta. Đồng bào hãy sẵn sàng đợi lệnh Chính phủ để chiến đấu”!.

    Ngày 12-9, quân Anh dùng vũ lực chiếm đóng trụ sở Ủy ban nhân dân Nam bộ, treo cờ Pháp lên, che chở cho bọn khiêu khích Pháp biểu tình thị uy ở Sài Gòn. Đêm 22 rạng ngày 23-9, quân đội Anh chẳng những đồng lõa với thực dân Pháp xâm lược mà còn đi trước để mở đường và bảo vệ cho quân đội viễn chinh Pháp đánh chiếm Sài Gòn. Ngày 23-9, quân Anh - Pháp nổ súng tiến chiếm trụ sở Ủy ban nhân dân Nam bộ và các cơ quan quan trọng của chính quyền ta ở Sài Gòn, mở đầu cuộc xâm lược lần thứ hai của chúng. Trước sự tấn công của quân Anh - Pháp, các đơn vị vũ trang của ta đã chống trả quyết liệt gây cho chúng một số tổn thất.


Nhân dân Hà Nội mít tinh phản đối phái bộ Anh dùng vũ lực chiếm đóng Nam bộ tại Quảng trường Nhà hát Lớn, ngày 24/9/1945 - Ảnh tư liệu

    Đêm 22 rạng ngày 23-9-1945, Xứ uỷ Nam Kỳ và Ủy ban nhân dân Nam bộ tổ chức Hội nghị khẩn cấp tại số 269 Cây Mai (nay là đường Nguyễn Trãi) có đồng chí Hoàng Quốc Việt thay mặt Trung ương Đảng và Tổng bộ Việt Minh đến dự Hội nghị, và các đồng chí: Ung Văn Khiêm, Trần Văn Giàu, Phạm Ngọc Thạch, Huỳnh Văn Tiểng... Hội nghị gửi điện báo gấp với Trung ương và Chủ tịch Hồ Chí Minh xin chỉ thị và phát động ngay kháng chiến chống Pháp, thành lập Ủy ban kháng chiến Nam bộ. Hội nghị đã kêu gọi toàn dân nhất tề đứng lên kháng chiến theo lời thề “Độc lập hay là chết!”. Đó là một quyết định táo bạo, sáng suốt, chính xác và kịp thời, đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng đánh giá cao. Với truyền thống kiên cường, bất khuất của một dân tộc thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ. Nhanh chóng, Ủy ban kháng chiến Sài Gòn - Chợ Lớn hạ lệnh tổng đình công, bất hợp tác với địch, phá hoại đường giao thông, phong toả đường tiếp tế lương thực, thực phẩm, bãi công, bãi thị, bãi khoá, tản cư dân ra ngoài thành phố.


Biểu tình chống Pháp năm 1945 - Ảnh tư liệu

    Hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng bộ Việt Minh, công nhân, thanh niên đã thành lập 350 đội tự vệ với 8.000 đội viên trang bị đủ loại vũ khí, có 120 khẩu súng trường. Từ ngày 23-9 đến ngày 23-10-1945, với chiến thuật “trong đánh ngoài vây”, các đơn vị tự vệ, thanh niên xung phong đã tiến lên giành các vị trí chiến đấu, chặn đứng hàng loạt mũi tiến quân của địch, tiêu diệt hàng ngàn tên địch, phá huỷ nhiều kho hậu cần, công sở, các phương tiện chiến tranh, vây địch khốn đốn ở nội thành Sài Gòn... đã làm thất bại kế hoạch đánh nhanh, thắng nhanh của địch. Tiếng súng kháng chiến anh dũng của Nhân dân Nam bộ nói chung, nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định vang dội khắp cả nước. Hàng triệu trái tim sôi sục căm thù, cùng hướng về miền Nam thân yêu.

    Biểu dương “Ngày Nam bộ kháng chiến”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần gửi thư cho đồng bào miền Nam: “Đã hai năm nay chiến sĩ và đồng bào ta hy sinh nhiều tính mạng, tài sản, chịu nhiều cực khổ gian nan. Song lòng yêu nước nồng nàn, chí dũng cảm ngày càng bền chặt, sức chiến đấu ngày càng gia tăng, ý chí quyết thắng ngày càng vững chắc. Các bạn là đội xung phong của dân tộc, con yêu của nước nhà... Lực lượng của 20 triệu người vì tự do, vì Tổ quốc, vì chính nghĩa mà kháng chiến là một lực lượng tất thắng... Lòng Hồ Chí Minh và Chính phủ cùng toàn thể quân đội và nhân dân các nơi luôn luôn ở bên cạnh các bạn, theo dõi các bạn, yêu mến các bạn...” (1947); “Tôi tin rằng, nếu cần kháng chiến ba năm hay mấy lần ba năm nữa, chúng ta cũng quyết kháng chiến đến cùng, vì chúng ta chắc rằng: Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi/ Thống nhất, độc lập nhất định thành công” (1948); “Quân dân Nam bộ và miền Nam Trung bộ đã kháng chiến 5 năm và đang tiếp tục củng cố bức Thành đồng của Tổ quốc... bức Thành đồng càng ngày càng trở nên vững chắc sau mỗi mưu mô xâm chiếm của giặc. Được như vậy là nhờ ở ý chí cương quyết của toàn dân, của các tướng sĩ và đồng bào Nam bộ, miền Nam Trung bộ và sự đoàn kết của quân, dân với Chính phủ kháng chiến” (1950); “Suốt 8 năm kháng chiến anh dũng, Nam bộ thật xứng đáng là bức tường đồng của Tổ quốc... Càng đấu tranh gian khổ, cán bộ, chiến sĩ và đồng bào Nam bộ lại càng hăng hái kiên quyết, càng bị thử thách, lại càng tỏ rõ đức tính kiên cường bất khuất của mình” (1953)...


Lời bài hát Nam bộ kháng chiến

    Tinh thần kháng chiến của Nhân dân Nam bộ đã làm rạng rỡ thêm trang sử đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc ta, xứng đáng với danh hiệu “Miền Nam - Thành đồng Tổ quốc” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt đồng bào cả nước tặng cho đồng bào Nam bộ tại Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà khoá I (tháng 02 năm 1946).

Quốc Hùng



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 63
  • Hôm nay: 7099
  • Trong tuần: 77,806
  • Tất cả: 11,801,126